Nó giúp ta cảm thấy mình có ích, thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc và gây ra những hậu quả tiêu cực như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.
Một số hành động và nhận định sai ảnh hưởng đến việc chọn lựa nghề nghiệp
Các bạn học sinh chỉ nghĩ rằng mình thích làm nghề gì thì chọn nghề đó. Nhưng thực tế, để chọn được một nghề nghiệp phù hợp cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố và phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xem xét trước khi đưa ra quyết định. Lựa chọn nghề nghiệp là quá trình bao gồm nhiều bước, trong đó có ba bước quan trọng và cần thời gian nhất đó là hiểu rõ bản thân, tìm kiếm thông tin về ngành nghề bạn yêu thích nhất và trường đào tạo chất lượng và phù hợp.
Khi chọn ngành, chọn trường không đánh giá đúng năng lực bản thân sẽ dẫn đến hậu quả: nếu đánh giá quá cao sẽ dẫn tới chọn trường thi không phù hợp - dẫn đến thi rớt. Còn nếu đánh giá quá thấp, chúng ta sẽ không dám chọn những nghề phù hợp, những trường tốt, uy tín, đào tạo chất lượng.
Nhiều bạn xem thường và đánh giá thấp các ngành đào tạo như giáo viên dạy mầm non, tiểu học, y tá, khí tượng thủy văn, bản đồ, địa chất, nhân học, công tác xã hội, học nghề... và luôn mang tư tưởng cho rằng nghề thợ thấp kém hơn kỹ sư, giáo viên tiểu học thấp hơn giáo viên THPT... Chính vì thế mà chỉ định hướng vào những nghề có đào tạo bậc đại học. Đã là nghề được xã hội thừa nhận thì không thể nói đến sự cao thấp hay sang hèn. Ngành nghề nào đào tạo đều hướng đến mục đích là đáp ứng nhu cầu của xã hội, đều có vai trò, giá trị nhất định trong hệ thống phân công lao động xã hội.
Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có tên “công nghệ”,“quản trị”, những ngành nghề có chữ “quốc tế” thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề. Lý giải sự lựa chọn của mình, các bạn cho rằng những ngành đó thường “hot”, “thời thượng”, nói ra rất kêu và nâng cao sĩ diện bản thân. Không phải chỉ có những học sinh bình thường mới gặp khó khăn khi chọn nghề, ngành học, nhiều học sinh khá giỏi ở những trường chuyên lớp chọn cũng gặp những “sai lầm chết người” khi chọn cho mình con đường tương lai. Nhiều bạn học sinh trường chuyên chỉ chọn những trường lớn và danh tiếng để thi cho tương xứng với “đẳng cấp” của mình. Có bạn học lực không thi nổi nhưng vẫn cố đăng ký vì... “sĩ diện”.
Mỗi người có một tính cách, năng lực, sở thích, năng khiếu, điều kiện, hoàn cảnh riêng. Nhưng khi chọn nghề lại phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống (hay ý kiến) gia đình dẫn đến nhiều sai lầm. Bạn hãy nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và đưa ra quyết định cho riêng bản thân mình, thay vì rập khuôn lại. Một số bạn cũng sai lầm khi chọn nghề theo sự rủ rê, theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu. Đôi khi vì tình cảm hay sự gắn bó từ phổ thông mà nhiều bạn cùng rủ nhau thi vào cùng ngành cùng trường. Sau này nhận thấy không phù hợp thì đã muộn rồi.
Ví dụ, như với các nghề diễn viên điện ảnh, dẫn chương trình, người mẫu thời trang, ca sĩ, du lịch, nhà hàng khách sạn,... rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng để theo nghề và thạo nghề thì phải có năng khiếu và rèn luyện gian khổ. Có người chỉ tin vào quảng cáo của các cơ sở đào tạo hay vì mức thu nhập mà chọn nghề vào học cũng sẽ dễ chán trường, chán nghề.